Home Hoạt động Trung tâm Sốt đất vẫn “ăn theo” quy hoạch, thổi giá

Sốt đất vẫn “ăn theo” quy hoạch, thổi giá

0
Sốt đất vẫn “ăn theo” quy hoạch, thổi giá

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương lại xuất hiện cơn sốt đất. Đáng nói, cơn sốt đất lần này vẫn “ăn theo” thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá.

Giá đất tăng nóng tại nhiều địa phương

Những ngày qua, tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng giới đầu tư, cò đất đổ xô về săn đất khiến giá nóng lên từng ngày.

Thời điểm hiện tại, đất ruộng lúa, đất nuôi trồng thủy sản nằm dọc hai bên đường tỉnh 934B từ TP Sóc Trăng về huyện Trần Đề được hét hàng tỷ đồng/ha, giá tăng gấp đôi so với 3 tháng trước. Khu vực từ trung tâm huyện đến cầu Mỹ Thanh 2 giá cũng đội lên gấp đôi.

Động thái khiến giá đất tại đây sốt nóng là cầu Mạc Đĩnh Chi vượt sông Maspéro được hợp long nối liền TP Sóc Trăng với huyện Trần Đề. Kèm theo đó là giới đầu nậu, cò đất tung tin đồn nơi đây được quy hoạch cảng biển mới. Trên thực tế, cảng biển Trần Đề chưa có quy hoạch chi tiết 1/500.

Trước đó, thời điểm giữa tháng 11 đến nay, sau khi Tập đoàn Vingroup trúng đấu giá hơn 439,9 tỷ đồng đối với khu đất 132.415m2 thuộc dự án Khu đô thị Thương mại – Dịch vụ nam Đông Hà, cơn sốt đất đã bất ngờ quay lại Quảng Trị. Giá đất ở quanh khu vực này tăng phi mã, đơn cử có mảnh đất diện tích 160m2 trên đường Đại Cồ Việt được chào bán ở mức xấp xỉ 10 tỷ đồng, dù trước đó vài tuần chỉ được rao bán với giá phân nửa. Mảnh đất rộng 140m2 trên đường Trương Công Kỉnh được rao “rẻ sập sàn” là… gần 7 tỷ đồng.

Vũng Áng (Hã Tĩnh) cũng là địa phương được gọi tên trong cơn sốt đất hiện nay. Hiện giá đất các xã phường tại Khu kinh tế Vũng Áng tăng gấp đôi so với nhiều tháng trước, ô tô của người dân nườm nượp đổ về đây để thăm dò mua. Một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Khánh Hòa, TPHCM… giá đất cũng tăng mạnh, hiện tượng “sốt nóng” đất đai bắt đầu xuất hiện.

Ông Mã Xuân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Đầu tư Bất động sản TPHCM cho hay, sự tăng nóng của bất động sản trong thời gian gần đây là do một số nhà đầu tư tạo nên, đây hoàn toàn không phải là nhu cầu có thực của người dân.

“Chúng ta vừa trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với tổn thất to lớn về kinh tế cũng như con người. Vậy tiền đâu mua đất? Theo tôi, hiện nay số người có nhu cầu thực về nhà đất chỉ chiếm 20%, còn lại 80% là ảo”, ông Tuấn nói.

theo-bo-xay-dung-su-phat-trien-cua-thi-truong-bat-dong-san-chua-thuc-su-ben-vung-con-tiem-an-yeu-to-rui-ro..jpg

Theo Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro.

Bong bóng có thể xảy ra

Cũng theo ông Tuấn, cần xác định đầu tư bất động sản của nhà đầu tư là đầu tư tài chính hay đầu tư xây dựng. Ví dụ, người có tiền mua đất Thủ Thiêm như đợt trúng đấu giá vừa qua, cần xem họ đầu tư làm gì, nếu đầu tư để xây dựng thì không thể vì giá quá cao sẽ không có người mua.

Như vậy, có thể hiểu là nhà đầu tư đang đầu tư về tài chính trên lô đất trúng đấu giá. “Hôm nay, trên truyền thông, nhà đầu tư này cũng đã xác nhận sẽ tìm nhà đầu tư nước ngoài để bán lại lô đất này với giá như tại TP New York”, ông Tuấn nói và kiến nghị Nhà nước cần có giải pháp để đưa đất đai về đúng với giá trị thực của nó.

Nhìn nhận vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nguy cơ bong bóng bất động sản trong thời gian tới là việc hoàn toàn có thể xảy ra.

Cũng lấy ví dụ về cuộc đấu giá đất thành công vừa qua tại Thủ Thiêm, ông Đính cho rằng giá đất đã đẩy lên cao, từ đó dễ xảy ra hiện tượng “té nước theo mưa” đẩy giá để tạo đỉnh mới. Khi giá bị đẩy lên mức quá cao mà không phải do thực chất của thị trường đạt tới giá trị đó thì sẽ là giá bong bóng, giá ảo.

Giá nhà đất bị đẩy lên cao, không hấp thụ được sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ thị trường đóng băng giống như thời kỳ năm 2011 – 2013.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch.

Tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tập trung tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông…

“Hiện nay tại nhiều địa phương, đầu nậu tung tin thất thiệt về thông tin quy hoạch nhằm thổi giá đất, gây lũng đoạn thị trường bất động sản. Do đó, các địa phương cần công bố rõ thông tin quy hoạch trên địa bàn để người dân được biết để không bị “mắc bẫy” đầu nậu, cò đất, giúp ổn định an ninh trật tự tại địa phương”.

Ông Mã Xuân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Đầu tư Bất động sản TPHCM.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here